Cái chết của Nam Tước Đỏ Manfred_von_Richthofen

Các phi công Úc bên cạnh chiếc Fokker ba tầng cánh của Richthofen, 425/17, sau khi nó bị những người săn tìm đồ lưu niệm chia ra thành nhiều phần

Richthofen bị giết vào khoảng 11 giờ sáng ngày 21 tháng 4 năm 1918 khi bay ngang qua đỉnh Morlancourt, gần sông Somme.

Vào lúc ấy, ông đang truy đuổi (ở tầm bay thấp) một chiếc Sopwith Camel do phi công mới tập lái người Canada Wilfrid "Wop" May thuộc phi đoàn 209 điều khiển. Tuy nhiên, ông đã bị một phi công Camel khác là đại úy người Canada, Đại úy Arthur "Roy" Brown, chỉ huy trưởng của May phát hiện. Brown đã cho máy bay của mình bổ nhào thẳng xuống ở tốc độ cao để can thiệp trước khi cũng phải vọt lên để tránh đâm xuống đất. Richthofen thực hiện động tác né tránh rồi tiếp tục truy đuổi May.

Trong một khoảnh khắc khi đang truy đuổi May, Richthofen đã bị một viên đạn.303 inch bắn trúng, gây tổn thương lên phổi và tim của ông dẫn đến một cái chết nhanh chóng.[12] Chiếc máy bay của ông bổ nhào và rơi xuống tại phía bắc làng Vaux-sur-Somme, trong một khu vực kiểm soát bởi Quân đội Hoàng gia Úc (AIF). Một nhân chứng, xạ thủ George Ridgway, kể lại khi ông và một người lính Úc khác đến gần chiếc máy bay, ngài nam tước vẫn còn sống nhưng chết ngay sau đó.[12] Một nhân chứng khác, trung sĩ Ted Smout thuộc quân y Úc, thuật lại câu nói cuối cùng trước khi chết của Richthofen là "kaputt" ("kết thúc").[13][14][15][16]

Một số lính và phi công Úc đang kiểm tra những gì còn lại của chiếc máy bay Nam tước Đỏ

Tuy nhiên, chiếc Fokker của ông đã không bị hư hại quá nặng và nó nhanh chóng bị những người săn tìm đồ lưu niệm cướp mất. Trong khi đó, thi hài của ông đã được phi đoàn 3 Không quân Hoàng gia Úc nhận nhiệm vụ lưu giữ. Đơn vị của Nam tước Đỏ chỉ biết tin về cái chết của ông khi một máy bay Đồng minh bay đến căn cứ của họ và gửi xuống một bức thư ghi thời điểm Richthofen chết và thông báo Nam tước Đỏ đã được chôn cất một cách long trọng theo nghi thức nhà binh.[17]

Chôn cất

Giống như hầu hết các sĩ quan không quân khác của Đồng minh, thiếu tá Blake, người có nhiệm vụ lưu giữ thi hài Nam tước Đỏ, tỏ ra vô cùng kính trọng ông. Blake đã tổ chức lễ tang Nam tước Đỏ theo nghi thức quân đội với sự tham gia của những thành viên phi đoàn 3 Không quân Hoàng gia Úc.

Richthofen được chôn cất tại một nghĩa trang thuộc ngôi làng Bertangles, gần Amies, vào ngày 22 tháng 4 năm 1918. Sáu phi công với quân hàm đại úy – cùng cấp hàm với Richthofen – đã đi đưa tang ông. Các phi đoàn khác của Đồng minh thì gửi những vòng hoa tưởng niệm.

Chiếc máy bay của Nam tước Đỏ đã bị chia thành nhiều phần bởi những người săn đồ lưu niệm. Động cơ thì được tặng cho bảo tàng Chiến tranh Hoàng gia tại Luân Đôn, và đến giờ nó vẫn còn được trưng bày tại đây. Học viện Quân sự Hoàng gia Canada tại Toronto, Ontario lại sở hữu chiếc ghế mà Richthofen ngồi khi chết.

Lễ tang Manfred von Richthofen

Năm 1925, em út của Manfred, Karl Bolko, tìm lại được xác anh và đem về nhà. Ý định ban đầu của gia đình Richthofen là cải táng ông tại nghĩa trang Schweidnitz, bên cạnh mộ phần của cha ông (mất năm 1920) và em trai ông Lothar, người đã chết trong một tai nạn máy bay năm 1922.[18] Nhưng chính quyền Đức đã đưa ra đề nghị cải táng ông tại nghĩa trang InvalidenfriedhofBerlin, nơi chôn cất nhiều nhà lãnh đạo và anh hùng của Đức. Gia đình ông đồng ý và phần mộ của ông ở tại Berlin cho đến năm 1975. Dưới chế độ Đức Quốc xã, một đài tưởng niệm lớn đã được xây ngay trên mộ phần của ông cùng một tấm bia đá lớn ghi vỏn vẹn một từ: "Richthofen".[19] Năm 1975, phần mộ ông được cải táng lần nữa, lần này là đến phần mộ gia đình tại Südfriedhof thuộc Wiesbaden.

Ai là người đã bắn trúng máy bay Nam Tước Đỏ?

Đại úy Arthur Roy Brown, người được Không quân Hoàng gia Anh công nhận chính thức đã bắn hạ được Richthofen.Chân dung sĩ quan và binh lính Đại đội Súng máy số 24 vào tháng 3 năm 1918. Trung sĩ Cedric Popkin là người thứ hai từ bên phải, hàng giữa.

Sau 90 năm tranh luận với nhiều giả thuyết, cho đến nay vẫn chưa xác định được chính xác ai là đã bắn phát súng quyết định dẫn đến cái chết của Nam tước Đỏ. Không quân Hoàng gia Anh (RAF) đã công nhận Brown là người bắn hạ Nam tước Đỏ. Tuy nhiên, Richthofen đã chết vì một vết thương chí tử ở ngực gây ra bởi một viên đạn, xuyên qua nách phải đến ngực trái. Nếu viên đạn ấy đến từ khẩu súng của Brown, Nam tước Đỏ đã không thể truy đuổi May lâu đến như thế.[12] Bản thân Brown cũng không bao giờ nói nhiều về những gì xảy ra ngày hôm ấy.

Hầu hết các chuyên gia đều tin rằng Nam tước Đỏ đã bị giết chết bởi một ai đó dưới mặt đất.[12][20] Vết thương trên cơ thể ông cho thấy nguyên nhân là từ một viên đạn có hướng lên trên, từ phía phải và quan trọng hơn, nó chắc chắn phải đến sau cuộc tấn công của Brown.[12]

Nhiều nguồn tài liệu, như bài viết năm 1998 của tiến sĩ Geoffrey Miller, một bác sĩ phẫu thuật và sử gia về quân y, cùng với một bộ phim tài liệu của Dịch vụ Truyền thông Công cộng (Public Broadcasting Service) sản xuất năm 2003 đã cho rằng trung sĩ Cedric Popkin được xem là người có khả năng đã giết Richthofen cao nhất.[12][20] Popkin là một xạ thủ súng máy phòng không Đại đội Súng máy số 24. Lúc đó, ông đang sử dụng một súng máy Vicker và đã khai hỏa vào Nam tước Đỏ trong hai cơ hội: lần thứ nhất là khi Richthofen đang lao về phía ông và lần thứ hai là ở khoảng cách xa từ phía phải. Năm 1935, trong một bức thư có kèm bản đồ phác thảo của Popkin gửi đến cơ quan sử gia chiến tranh của Úc, ông tin rằng mình là người đã có phát súng quyết định khi Nam tước Đỏ tiến gần đến vị trí của mình. Ở cơ hội lần thứ nhất, loạt đạn của Popkin nhắm vào chính diện máy bay của Richthofen nên không thể là nguyên nhân gây ra cái chết Nam tước Đỏ. Nhưng ở cơ hội thứ hai, Popkin đã ở một vị trí tốt để có được phát súng quyết định.[12][20]

Một tài liệu khác, bộ phim tài liệu sản xuất năm 2002 của kênh truyền hình Discovery Channel đã cho rằng xạ thủ W. J. "Snowy" Evans, thuộc khẩu đội pháo 53, lữ đoàn pháo dã chiến 14 thuộc pháo binh Hoàng gia Úc đã giết Nam tước Đỏ bằng một súng máy Lewis.[16] Tuy nhiên, tiến sĩ Miller và PBS đã bác bỏ giả thuyết này.[12][20]

Trong khi đó, một số tài liệu khác lại chứng minh xạ thủ Robert Buie (cũng thuộc khẩu đội pháo 53) có thể là người đã bắn phát súng quyết định đó. Hiện nay, không có nhiều ý kiến ủng hộ cho giả thuyết này.[12][20] Tuy nhiên, vào tháng 3 năm 2007, nhà nước địa phương Hornsby Shire tại Sydney, Úc đã công nhận Buie, nguyên cư dân tại đây, là người đã giết Nam tước Đỏ. Shire đã cho đặt một tấm bảng tại ngôi nhà trước đây của Buie tại ngoại ô Brooklyn.[21] Buie, mất năm 1964, chưa bao giờ được công nhận thành tích chính thức bởi bất kì ai khác.

Người chỉ huy Phi đoàn 3 Không quân Hoàng gia Úc, thiếu tá David Blake đã đưa ra một giả thuyết là Richthofen có thể đã bị giết bởi một máy bay Royal Aircraft Factory R.E.8 thuộc phi đoàn của ông. Tuy nhiên, nó nhanh chóng bị bác bỏ. Sau đó, qua một cuộc khám nghiệm tử thi có sự chứng kiến của chính Blake, ông đã trở thành người ủng hộ cho giả thuyết một xạ thủ phòng không là người đã giết Nam tước Đỏ.

Giả thuyết về chuyến bay cuối cùng của Nam Tước Đỏ

Manfred von Richthofen là một phi công tài ba và có quá nhiều kinh nghiệm nên ông thừa hiểu những mối nguy hiểm từ hỏa lực dưới mặt đất. Hơn thế nữa, ông còn là người đã thống nhất cùng Boelcke những quy tắc an toàn khi bay. Do đó, nhìn chung, mọi người đều đồng ý rằng những quyết định của vị Nam tước Đỏ trong chuyến bay cuối cùng là khó hiểu ở nhiều khía cạnh.[22] Nhiều giả thuyết đã được đưa ra để giải thích.

Năm 1999, một nhà nghiên cứu về y học người Đức, tiến sĩ Henning Allmers, đã có một bài viết trên tập san y học của Anh The Lancet, cho rằng một chấn thương ở não (ảnh hưởng của tai nạn tháng 6 năm 1917) có liên quan đến cái chết của ngài Nam tước. Giả thuyết này đã được sử ủng hộ của một số nhà nghiên cứu tại đại học Texas. Một số biểu hiện của Manfred sau tai nạn là phù hợp với một người có chấn thương não, như khả năng phán đoán của ông trong chuyến bay cuối: bay ở tầm quá thấp vào khu vực kẻ thù và bị hiện tượng đóng băng điểm đến (target fixation).[23]

Ngoài ra, còn một khả năng khác là Manfred đã bị stress do áp lực chiến đấu dẫn đến việc ông mất cảnh giác như thường lệ. Một số trường hợp khác như một phi công Ách của Anh, thiếu tá Edward "Mick" Mannock, đã bị giết bởi hỏa lực dưới mặt đất khi vượt qua phòng tuyến đối phương ở tầm bay thấp, một hành động mà ông luôn luôn cảnh báo các phi công trẻ. Hay một phi công Ách của Pháp, Georges Guynemer, mất tích vào ngày 11 tháng 9 năm 1917, trong khi ông đang tấn công một số máy bay hai chỗ ngồi của Đức mà không để ý những máy bay Fokker đi theo hộ tống.

Trong giả thuyết của Franks và Bennett năm 2007,[22] vào ngày định mệnh ấy, do sự thay đổi của hướng gió, Richthofen đã bay nhanh hơn bình thường 80 km/giờ hay 60% khiến ông có thể lạc sang phòng tuyến kẻ thù trước khi kịp nhận ra điều đó.

Mặt khác, để đánh giá các yếu tố trên, phải tính đến hoàn cảnh lịch sử lúc đó. Thời điểm Richthofen chết, người Đức đang đạt được một số thành công bước đầu trong cuộc Tổng tấn công Mùa xuân 1918. Nam tước Đỏ hiểu rằng ông đang đóng một vai trò lớn trong nỗ lực giành chiến thắng cuối cùng của nước Đức trong cuộc chiến. Nhưng những ưu thế về không lực của Đồng minh khiến không quân Đức gặp nhiều khó khăn: công việc trinh sát bị hạn chế trong khi ngược lại không thể ngăn cản các phi đoàn Đồng minh trinh sát và yểm trợ cho quân đội họ. Trong hoàn cảnh đó, sự liều lĩnh và sự dũng cảm ở một lằn ranh rất khó để phân biệt.